top of page
Writer's picturelemylhp

TÍN HIỆU TỪ NAM CỰC “ẤM ÁP”

Updated: Aug 30, 2021

Người phương Tây có câu thành ngữ “chim hoàng yến trong hầm mỏ”, ý chỉ những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm, do những thợ mỏ người Anh khi xưa đã mang loài chim nhạy cảm này xuống hầm để nhận biết khi nào có khí độc. Thời nay, từ cực nam của quả đất, một loài chim rất khác – chim cánh cụt, cũng đang gửi cho chúng ta một tín hiệu cảnh báo.

Khi sự sống bừng nở bất chấp giá lạnh


Khoảng tháng 3 – 4 hằng năm, khi mặt trời sắp sửa nhường chỗ cho mùa đông tăm tối ở Nam Cực, chim cánh cụt Hoàng đế (Emperor penguin), hình mẫu ông bố bà mẹ can trường đến lạ kỳ, sẽ từ bỏ cuộc sống “độc thân” ngoài biển cả để quay về nơi chúng đã được sinh ra. Lần này là để thực hiện sứ mệnh sinh sản gian nan bậc nhất trong thế giới tự nhiên.

Là chim, nhưng không thể bay, loài chim này cũng khó mà đặt chân lên mặt đất, vì chúng sống hoàn toàn trên băng tuyết và trong lòng đại dương. Lúc này, tài bơi lội cừ khôi cũng chẳng giúp ích gì, từng đàn chim hàng ngàn cá thể sẽ… đi bộ xuyên qua những lãnh nguyên băng giá. Đoàn “tuần hành” thường phải đi liên tục 80 – 100km, với lộ trình mỗi năm mỗi khác do những tảng băng đã dịch chuyển và thay đổi. Thế nhưng, đích đến luôn cùng là một chỗ, suốt hàng ngàn năm qua. Tổ tiên của chúng đã chọn “làm ổ” trên những mảng “fast-ice” (mảng băng biển lớn gắn chặt vào bờ biển), đảm bảo địa hình thấp, phẳng và hơn hết là ổn định cho đến mùa hè tiếp theo, để lũ chim non không vô tình rơi xuống đại dương lạnh giá bên dưới.

Cuộc tuần hành của chim cánh cụt Hoàng đế. Ảnh: Trích từ phim tài liệu “March of the Penguins”

Như tên gọi, chim cánh cụt Hoàng đế là nhóm to lớn nhất trong các loài cánh cụt, với cân nặng lên đến 40kg, cao 115cm và tuổi thọ trung bình là 20 năm. Không chỉ sống sót được giữa mùa đông Nam Cực, chim cánh cụt Hoàng đế còn giao phối, đẻ, ấp trứng và nuôi dưỡng con non giữa điều kiện thời tiết hà khắc nhất hành tinh. Đấy là chưa kể vị trí sinh sản, nơi có tầng băng dày phải nằm cách xa nguồn thức ăn, nơi có lớp băng mỏng và những lỗ hổng để xuống biển. Khi đã đến được nơi tập kết an toàn, chim trưởng thành kết đôi với một bạn tình duy nhất và sẽ làm tất cả cho một quả trứng duy nhất. Như bao chuyện tình trên thế gian, những cặp “vợ chồng” sẽ trải qua sự thử thách, chia ly và đoàn tụ.


Sau khi đẻ trứng, những con chim mẹ đói khát phải “tuần hành” ngược con đường cũ, nay khó khăn hơn vì băng tuyết, để trở lại biển tìm thức ăn cho mình và chim non sắp nở. Trong hơn 2 tháng tới, các ông bố giữ nhiệm vụ ấp trứng, sát cánh bên nhau giữa đêm đông dài đằng đẵng, đôi khi lạnh đến âm 80°C. Cứ như thế cho đến lúc mùa hè mang mặt trời trở lại, cặp “vợ chồng” đã luân phiên đi đi về về giữa biển và nơi sinh sản để bổ sung thức ăn cho chim non, mỗi chuyến đi có thể kéo dài đến 2 tháng. Bão tuyết, kẻ săn mồi hay chính cơn đói khát đều có thể cướp đi cơ hội đoàn tụ của những gia đình nhỏ này. Đến tháng 12, khi băng tan chảy dần, trả nước vay mượn về biển cả, lũ chim non bấy giờ đã sẵn sàng khám phá đại dương, nơi chúng và bố mẹ chúng thuộc về.



Một tương lai “ấm áp hơn” lại không mấy dễ chịu


Như một quy định của tạo hóa, chim cánh cụt Hoàng đế cần những mảng “fast-ice” ổn định suốt mùa sinh sản, để chim non kịp thay lông, chính thức khoác lên bộ lông đen trắng và không thấm nước. Loại băng này nếu hình thành quá muộn hoặc tan chảy quá sớm đều là dấu chấm hết cho lũ chim non xấu số. Bố mẹ chúng cũng chẳng khá hơn. Chim trưởng thành sẽ trải qua giai đoạn thay lông từ tháng 1 – 2 hằng năm. Suốt thời gian đó, chúng không thể xuống nước và có nguy cơ chết đuối nếu mảng băng bên dưới chân vỡ tan.

Mạnh mẽ và bền bỉ đến thế, nhưng chim cánh cụt Hoàng đế được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ “gần như biến mất khỏi Trái Đất vào cuối thế kỷ này, nếu biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn với tốc độ hiện tại”.

Stephanie Jenouvrier, nhà sinh vật học thuộc Viện Hải dương Woods Hole (WHOI).

Nhiều báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ CO2 trong bầu khí quyển, gây hiện tượng Trái Đất nóng lên. Hai cực của địa cầu tất nhiên không là ngoại lệ. Hồi đầu tháng 2/2020, trạm nghiên cứu Esperanza Base của Argentina tại Nam Cực ghi nhận nhiệt độ 18.3°C ở khu vực này.


Những bức ảnh của NASA cho thấy đợt sóng nhiệt kéo dài 9 ngày, từ 4 đến 13/02 ở khu vực cực Bắc của châu Nam Cực đã làm tan chảy gần 1/4 lượng băng tuyết trên các đảo.

Sự bất ổn của những mảng băng không chỉ làm mất khu vực sinh sản mà còn xáo trộn nguồn thức ăn của chim cánh cụt. Dân số sụt giảm của chim cánh cụt Chinstrap (đặt tên theo hàng lông quai nón đặc trưng) là một tín hiệu xấu. Tính đến tháng 2 năm nay, trên đảo Voi chỉ có gần 53 ngàn cặp chim làm tổ, giảm hơn một nửa so với 50 năm trước, theo các nhà khoa học thuộc Đại học Stony Brook (Mỹ) đang tham gia nghiên cứu trên chuyến tàu Greenpeace. Băng vốn quan trọng đối với các loài thực vật phù du. Những sinh vật này lại là món ăn béo bở của loài nhuyễn thể (krill) - thức ăn chính của Chinstrap. Không có băng đồng nghĩa với thức ăn không còn dồi dào.

“Tuy có nhiều nhân tố dẫn đến hệ quả này, tất cả bằng chứng chúng tôi thu thập đều cho thấy biến đổi khí hậu có một phần trách nhiệm cho những gì đang diễn ra”, Heather Lynch, một nhà nghiên cứu trên chuyến tàu Greenpeace chia sẻ với tờ Guardian.


Chim cánh cụt Adélie ở bán đảo Nam Cực phải học cách thích nghi với môi trường sống thay đổi. Con non bị mất “áo giáp” giữ nhiệt khi bộ lông tơ bám đầy bùn đất. Ảnh: Frans Lanting, National Geographic.

Khi ngôi nhà chung trở nên “nóng nực” - nhìn ở góc độ chim cánh cụt, ai ai cũng phiền lòng! Dễ nhận diện bởi một vòng trắng quanh mắt, chim cánh cụt Adélie đã sinh sống ở xứ Nam Cực này gần 45 ngàn năm, đã sống sót và thích nghi với biết bao lần đổi thay của khí hậu. Chúng làm ổ trên mặt đất vào mùa hè và di cư đến rìa những mảng băng biển vào mùa đông để kiếm ăn. Tình trạng ấm lên có thể gây mưa bất thường và tan tuyết, tạo nên những “ổ gà” đầy bùn – thứ mà loài chim này chẳng ưa. Mặt đất ẩm ướt sẽ làm hỏng những quả trứng. Lũ chim non, do chưa có lớp lông chống thấm nước, có thể bị ướt và chết vì mất nhiệt.

Con non Adélie này đang thay lông, nhưng vẫn chưa sẵn sàng xuống nước. Chúng không thể đi đâu khác vì phải đợi chim bố mẹ mang thức ăn về. Ảnh: Frans Lanting, National Geographic.

Ai tự cứu lấy mình?


Chim cánh cụt Chinstrap. Ảnh: National Geographic

Ở những nơi loài Chinstrap đang sụt giảm, đoàn nghiên cứu lại nhận thấy sự gia tăng dân số của chim cánh cụt mỏ cam Gentoo. Loài này được một số nhà khoa học phong tặng danh hiệu “kẻ lanh lợi của thế giới cánh cụt”, bởi thực đơn linh hoạt gồm cả cá, mực và khả năng thích ứng với nhiều điều kiện sống khác nhau. Nếu xem Gentoo là người chiến thắng trong cuộc đua sinh tồn, thì số lượng kẻ thua cuộc là quá lớn, vì hầu hết các loài chim cánh cụt đều đang bị ảnh hưởng bởi khí hậu ấm dần.


Chim cánh cụt Gentoo. Ảnh: Paul Atkinson, National Geographic

Chuyện khí hậu vốn không của riêng ai! Với tình trạng loài nhuyễn thể sụt giảm đến 40% ở một số vùng ở Nam Đại Dương, các chuyên gia cũng lo lắng cho các loài săn mồi khác trên chuỗi thức ăn, bao gồm cá voi và báo biển.


Loài nhuyễn thể - mắc xích quan trọng trong chuỗi thức ăn ở Nam Cực. Ảnh: Keith Ladzinski, National Geographic

Trở lại với loài chim Hoàng đế ở cực nam, vịnh Halley – khu vực sinh sản lớn thứ hai của chúng đã có 3 năm liền trở thành nơi “ít được yêu thích nhất”. Theo thông lệ trước đó, từ 15 ngàn đến 24 ngàn cặp chim sẽ đến vịnh này hàng năm để sinh sản. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, không có con chim non nào sống sót rời khỏi đó, theo báo cáo của tổ chức Khảo sát về Nam Cực của Anh (BAS) công bố hồi tháng 4/2019.


Cách đó không xa, ở vùng Dawson-Lambton, số lượng cặp chim đã tăng thêm 30% sau một năm, đạt hơn 14,5 ngàn cặp trong năm 2018. Đây là một tin an ủi, nhưng so với con số mất mát ở vịnh Halley thì chẳng thấm vào đâu. Trưởng nhóm Bảo tồn Sinh học của BAS, Phil Trathan vui mừng rằng chim cánh cụt ở vịnh Halley không biến mất. Chúng đã bằng cách nào đó tìm đường “tị nạn” đến Dawson-Lambton.

Tuy nhiên, điều làm buồn lòng các nhà khoa học chính là vịnh Halley vốn từng được xem như vùng… “tị nạn”, “nơi mà bạn mong đợi sẽ luôn tìm thấy những vị Hoàng đế trong tương lai”, Phil Trathan nói. Một câu hỏi khác được đặt ra: liệu sau này có còn tìm được những khu vực sinh sản thay thế như Dawson-Lambton?

Nam Cực là lục địa duy nhất tổ tiên loài người đã không chiếm ngự. Mỗi năm, có khoảng 4 ngàn người đến châu lục này vào mùa hè, chia thành 2 nhóm: nhà nhiên cứu và khách du lịch.

Đối với hơn 7 tỷ người còn lại trên Trái đất, châu Nam Cực có thể quá xa xôi. Nhưng vì tất cả sinh vật đều đang chia sẻ một hành tinh, những gì đang diễn ra ở Nam Cực là tín hiệu cảnh báo sớm để loài người kịp hành động, tự cứu lấy mình và muôn loài.

Thuần Khoa Học.

Ảnh bìa: Cristina Mittermeier, National Geographic


 
"Tuyết xanh" xuất hiện tại Nam Cực. Ảnh: AFP

Nhiệt độ trên 0°C sẽ đẩy nhanh tình trạng băng tan, dẫn đến sự phát triển và sinh sản gia tăng của rêu, địa y… và điều đó đang xảy ra. Theo nghiên cứu do Đại học Cambridge và Viện Khảo sát Nam cực của Anh công bố ngày 20/5, ở nhiều nơi của châu lục này, băng tuyết trắng bỗng dưng chuyển màu xanh lá, thậm chí có thể nhìn thấy từ vũ trụ!

Related Posts

See All

Comments


bottom of page