top of page
Writer's picturelemylhp

KHI NHỮNG CÁNH RỪNG… DI CƯ

Updated: Oct 31, 2021

Bạn không đọc nhầm đâu. Thật đấy, rừng cây cũng có thể di cư như chim chóc hay cá voi, một khi môi trường sống bản địa không còn thuận lợi.

Ngày nay, phần lớn cây cối đang di cư không đủ nhanh để kịp ứng phó với biến đổi khí hậu. Và điều đó buộc loài người chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn.


“Săn bắn” lá để điều tra

Dưới tán rừng Black Rock ở phía bắc thành phố New York của Mỹ, Angie Patterson đã dành hàng năm trời để nhắm súng săn vào những cây sồi đỏ. Đây không phải một trò tiêu khiển. Là một nhà sinh thái - sinh lý học thực vật, Patterson đang nghiên cứu về phản ứng của mỗi loài cây khác nhau trước biến động thất thường của khí hậu.


“Đùng”, một nhánh cây rơi xuống đất. Những chiếc lá tốt nhất để nghiên cứu phải nằm tít trên cao, ở phía trên cùng của tán cây - nơi chúng nhận được lượng ánh sáng mặt trời đồng đều và ổn định. Lúc này, khẩu súng săn trở thành một công cụ hỗ trợ nghiên cứu rẻ tiền và hiệu quả.


Qua các thí nghiệm, Patterson phát hiện ra rằng cây sồi đỏ, cùng một số loài bản địa khác, đang thực sự gặp nhiều bất lợi so với những giống cây “đến” sau. Điều này có nghĩa là những cây sồi đỏ, vốn làm chủ 70% diện tích khu rừng, có thể bị chiếm chỗ trong tương lai.

“Loài sồi đỏ phương bắc có tầm quan trọng đối với khu vực này. Chúng ảnh hưởng đến sức sống của đất đai, chất lượng nước, chất dinh dưỡng. Khi những quần thể cây cối lớn bắt đầu biến mất, hệ sinh thái rừng phức tạp này có thể bị phá vỡ”

Patterson nói với báo The Guardian.


Trong 90 năm qua, thành phần “thụ khẩu” trong khu rừng này đã có nhiều thay đổi. Theo Patterson, 3 loài cây đã “bỏ nhà ra đi” hoặc tuyệt chủng ở cấp độ khu vực, và 11 loài khác đã “chuyển đến” bằng cách di cư tự nhiên từ phía nam hoặc được con người du nhập.


Những cánh rừng ở miền đông bắc Hoa Kỳ, bao gồm Black Rock, là những “kho” nhốt carbon trên đất liền quan trọng của thế giới. Vì vậy, những thay đổi này có thể tác động mạnh mẽ đến khả năng lưu trữ carbon của toàn khu vực.


Trong viễn cảnh đẹp nhất, cây cối ở phía nam sẽ di cư đến Black Rock và lấp vào chỗ trống, giúp duy trì sự rậm rạp và trù phú của khu rừng - giả sử như chúng đến kịp lúc.


Mới đây, tạp chí Nature công bố một nghiên cứu của Anh, nói rằng các đô thị có thể trở thành “bước đệm” trong hành trình di cư của cây cối, bằng cách đưa các giống cây từ rừng vào trong thành phố.


Hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” cho phép chúng ta và cả cây cối “xem trước” tương lai. Nói một cách dễ hiểu: theo thời gian, các khu vực lân cận rồi sẽ ấm lên như tình trạng hiện nay của các thành phố. So với việc chậm rãi di cư đến nơi mát hơn, một quần thể cây rừng sinh trưởng giữa đô thị nóng nực có thể “nhảy cóc”, rút ngắn thời gian và khoảng cách di cư, từ đó bắt kịp tốc độ của biến đổi khí hậu.


Rừng di cư như thế nào?

Nhìn những cây sồi đỏ to lớn thế kia, thật khó để tin rằng chúng có thể di chuyển. Cây cối từ điểm A không thể đi bộ, theo nghĩa đen, đến điểm B được. Sự thật là chúng di cư với danh nghĩa một loài, bằng cách phát tán hạt giống. Động vật, gió và nước có thể giúp mang hạt giống đến những vùng đất mới. Một số loài cây còn có thể “bắn” hạt giống ra môi trường xung quanh khi làm vỏ quả nổ tung.


Sau khi hạt giống hạ cánh xuống mảnh đất mới, nếu gặp được môi trường thích hợp thì chúng sẽ bắt đầu đâm rễ, mở ra tương lai cho một quần thể cây mới. Vì khu vực cũ đã không còn thuận lợi, những cây thế hệ ông, bà, cha, mẹ sẽ dần chết đi. Như vậy, loài cây đó sẽ từ từ biến mất ở vùng này và xuất hiện ở một vùng khác. Cây cối đã di cư bằng cách này, ít nhất là kể từ kỷ băng hà cuối cùng, với vận tốc siêu chậm, ước tính chỉ khoảng 100 - 200m mỗi năm.

Cây sồi đỏ. Ảnh: 123RF

Ngày nay, những cánh rừng vẫn đang dịch chuyển, một phần là do biến đổi khí hậu. Nhưng đi đâu? Mỗi loài cây có một lối đi riêng. Thật ngạc nhiên khi không phải tất cả cây cối đều dịch chuyển về phía 2 cực, nơi có khí hậu mát mẻ hơn.


Chẳng hạn như ở miền đông nước Mỹ, những loài cây thường xanh đang hướng về các vùng cực để tránh nóng. Trong khi đó, một số loài sồi và phong thì di cư về hướng tây, nơi môi trường đang trở nên ẩm ướt hơn, theo một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Science Advances vào năm 2017. Dữ liệu về thực vật thu thập trong 35 năm liền của Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ cho thấy rằng “lượng mưa có tác động ngắn hạn đến sự dịch chuyển của các loài mạnh mẽ hơn so với nhiệt độ”.

Minh họa: Brown Bird Design


Tính đến năm 2020, Sách đỏ của IUCN đã phân loại hơn 21.700 loài thực vật nằm trong tình trạng “bị đe dọa”, chiếm 40% tổng số loài thực vật được đánh giá. Và khi nói đến các mối đe dọa bởi biến đổi khí hậu, di cư chính là một trong những cơ hội hiếm hoi để cây cối thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.



Thế nhưng, trước tốc độ biến đổi nhanh chóng của các điều kiện sống hiện hay, cây cối sẽ phải tăng tốc gấp 10 lần để kịp di cư đến những miền đất hứa. Đó là chưa kể hành trình di cư đầy gian khổ và rủi ro của cây cối như bất kỳ sinh vật sống nào.


Những hạt giống có thể bay trong không trung đến những vùng đất mới, nhưng không phải lúc nào chúng cũng nảy mầm, phát triển và sinh sôi thành công. Vậy con người có nên giúp cây cối di cư?


Bài toán “thay trời hành đạo”

Khu bảo tồn Plum Creek ở bang Maryland (Mỹ) là một bộ sưu tập ấn tượng về các loài thông. Đứng bên cạnh những “đại gia đình” thông loblolly, shortleaf hay Virginia là nhà thông longleaf, đặc trưng với kiểu lá kim dài và tỏa tròn trông như những chùm bông tua xanh ngắt.


Nhưng thông longleaf không phải là loài bản địa của Maryland - chúng chỉ mới được trồng ở đây từ năm 2013. Đây là một ví dụ về chiến lược “hỗ trợ di cư”, nhằm giải cứu các loài cây khỏi điều kiện sống khắc nghiệt. Theo The Guardian, loài thông longleaf từng ngự trị hơn 36 triệu hecta đất ở miền đông nam nước Mỹ, nhưng ngày nay chúng chỉ còn sinh trưởng trên 3% lãnh thổ ban đầu.


Tuy nhiên, một bộ phận của giới học thuật xem “hỗ trợ di cư” là một giải pháp tốn kém và đầy rủi ro. Trồng cây bên ngoài môi trường sống vốn dĩ của chúng đòi hỏi nhiều công sức. Và dù bỏ ra thời gian hay tiền bạc đến cỡ nào cũng khó thể cam đoan chúng sẽ sinh trưởng tốt ở môi trường mới.


Trong thực tế, một nửa số cây thông longleaf con tại Plum Creek đã chết. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng các loài cây mới có thể trở thành loài ngoại lai xâm hại, hoặc một số loài sâu bệnh có thể vô tình được “quá giang”.

Các cây thông longleaf con bắt đầu một cuộc sống mới ở Plum Creek. Ảnh: The Guardian

Một thành viên trong dự án hỗ trợ thông longleaf di cư, nhà sinh thái học Deborah Landau, chia sẻ trên Facebook rằng dự án này đã bị cáo buộc là “một tay thay trời hành đạo”. Bác bỏ những lời chỉ trích đó, cô cho rằng: “Chẳng còn mấy thứ trong thiên nhiên mà chúng ta chưa nhúng tay vào đâu”.


Landau không tự tin loài thông longleaf có thể tự nó di cư đủ nhanh. May mắn là cho đến nay, những cây thông longleaf đầu tiên ở Maryland dường như đang có tác động tích cực đến hệ sinh vật bản địa, The Guardian cho biết.


Một phản biện khác là con người không nên can thiệp, thay vào đó hãy cố gắng bảo tồn thiên nhiên, đưa thiên nhiên quay lại trạng thái ban đầu. Nhưng Jessica Hellmann, giáo sư sinh thái học thuộc ĐH Minnesota (Mỹ), thì không nghĩ như vậy. Thay vì hỏi “có nên giúp cây cối di cư hay không”, chúng ta phải hỏi “nên cứu loài nào và bỏ lại loài nào phía sau”.

“Mặc cho biến đổi khí hậu diễn ra và không làm gì cả, hoặc cố gắng can thiệp và đồng thời chấp nhận hệ quả cùng cái giá phải trả cho sự can thiệp đó”.

Hellmann nói với trang Verge Science.


Các công viên quốc gia tại Mỹ đang tự hỏi và đưa ra quyết định ngay bây giờ, với sự giúp đỡ của Hellmann và các đồng nghiệp. Gần đây, họ xây dựng một sổ tay giúp các công viên phân tích lợi hại của “hỗ trợ di cư”. Theo đó, chúng ta cần tự hỏi tại sao muốn “chuyển nhà” cho một loài cây. Ta cứu nó vì ta thích ngắm nhìn nó, hay vì nó có vai trò quan trọng với hệ sinh thái? Người dân có kiện tụng không? Quan điểm của các bộ tộc bản địa cũng vô cùng quan trọng…


Tất nhiên, “hỗ trợ di cư” không thể giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Chúng ta không thể di chuyển các loài từ nơi này sang nơi khác mãi được. Về lâu dài, cách tối ưu để bảo vệ đa dạng sinh học chính là ngừng phát thải và ngừng gây ô nhiễm, trước hết là để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.■


Tương lai của những cánh rừng đang “cuốn theo chiều gió”, do lẽ các luồng gió khổng lồ trên Trái đất giữ vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống và phấn hoa, theo kết quả một nghiên cứu mới đây trên tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNAS). Tất nhiên, động vật (như chim ăn quả hay linh trưởng) cũng tham gia vào quá trình này, nhưng “tính định hướng” mạnh mẽ của gió khiến nó “nắm quyền sinh sát”.


Trên báo The Independent¸ giáo sư David Ackerly thuộc ĐH California-Berkeley (Mỹ) và là tác giả chính của nghiên cứu trên, giải thích gió có thể tác động khiến quá trình di cư của cây cối đi đúng hướng đến môi trường sống phù hợp hơn, hoặc là theo hướng ngược lại. Giả sử loài phong lá đỏ đang mong đến vùng phía tây ẩm ướt lý tưởng, nhưng trớ trêu là những cơn gió cứ đưa hạt giống của chúng bay về hướng đông, nam hay bắc.

 

Bài viết gốc của cùng tác giả đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 18-6-2021, có cập nhật một số thông tin.

Comments


bottom of page